Phong Tục Cưới Hỏi và Hôn Nhân của Do Thái Cổ Đại
Tác giả: Tracy M. Lemos
Dịch sang tiếng Việt: Bùi Kim Thanh, Hội Thần Học Thánh Kinh Việt Nam.
Hôn nhân của Do Thái cổ đại rất khác với hôn nhân ngày nay. Mặc dù có rất nhiều điều chúng ta không biết về hôn nhân của người Do Thái cổ đại, nhưng các bản văn Kinh Thánh nói về vấn đề hôn nhân cho chúng ta biết rằng nhiều phong tục hôn nhân của người Do Thái không giống với phong tục hôn nhân của xã hội hiện đại.
Trước tiên, theo Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:21, các cô dâu phải còn là trinh nữ khi họ kết hôn nếu không họ có thể bị xử tử, trong khi đó, các ông lại được phép kết hôn với nhiều phụ nữ. Chúng ta không xác định được chế độ đa thê đã được phổ biến rộng lớn như thế nào trong xã hội Do Thái cổ đại. Ngoài ra, bằng chứng cho thấy rằng không như phái nữ, các ông có quyền chọn lựa người mà họ muốn kết hôn. Chẳng hạn, theo Các Quan Xét 14 Samson tự chọn vợ cho mình mặc dù cha mẹ Samson không đồng ý. Đa số các cô gái kết hôn vào khoảng tuổi dậy thì trong khi các ông có phần lớn tuổi hơn. Mặc dù các hôn nhân thường dựa nhiều vào yếu tố kinh tế hoặc xã hội hơn là tình yêu lãng mạn, một số văn bản, bao gồm Nhã ca, cho chúng ta thấy rằng những ý tưởng về đam mê tình yêu cũng có trong văn hoá Do Thái cổ đại.
Để kết hôn với một cô gái, chàng rể tương lai tặng cha cô một món quà (gọi là “mohar” trong tiếng Do Thái) đóng dấu hôn lễ của cô dâu và chồng sắp cưới. Đính hôn trong phong tục Do Thái cổ là một cam kết vững chắc có giá trị nhiều hơn giá trị “đính hôn” của ngày hôm nay. Mặc dù một số người cho rằng món quà hứa hôn là để “mua” hôn sự, nhưng nhận xét này không chính xác. Các nhà nhân chủng học gọi món quà này là “tài sản cô dâu” (tương tự như của hồi môn của người Việt). Phong tục tặng quà cho cô dâu được tìm thấy ở nhiều xã hội trên khắp thế giới và không được xem là việc mua bán trong các nền văn hóa đó. Các bản văn Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng trong văn hoá của người Do Thái, vai trò người vợ không bị xem như là nô lệ, mặc dù đôi khi đàn ông cũng kết hôn với phụ nữ nô lệ. Một thời gian sau lễ đính hôn, lễ cưới thường sẽ được tổ chức ăn mừng trong nhiều ngày liên tiếp.
Mối quan hệ vợ chồng không mang tính chất đồng đẳng trong văn hoá Cận Đông cổ đại, trong đó gồm có Do Thái. Ba‘al, một trong những từ mang ý nghĩa “chồng” trong tiếng Hê-bơ-rơ, cũng có ý nghĩa là “chúa” hoặc “chủ nhân,” và người chồng nắm quyền sống chết của người vợ trong trường hợp ngoại tình. Ngoại tình trong thế giới Do Thái cổ đại bao gồm người đàn bà ngủ với người đàn ông khác không phải là chồng của mình, hoặc người đàn ông ăn nằm với vợ của người khác. Đàn ông, tuy nhiên, có thể lấy nhiều vợ và thê thiếp và cũng được phép đi với gái lầu hoa. Cho nên chế độ hôn nhân chỉ có một chiều trong văn hoá này.
Kinh Thánh xác định rõ là hôn nhân giữa anh chị em họ thường được ưa chuộng. Đề tài hôn nhân giữa người Do Thái và người ngoại sẽ được xem xét tường tận trong các phân đoạn Kinh Thánh khác. Một các sơ lược, mặc dù một vài phân đoạn bày tỏ sự giới hạn hoặc ngăn cấm hôn nhân giữa người Do Thái và người ngoại, nhưng cũng có vài kinh văn, như sách Ru-tơ, cho phép người Do Thái kết hôn với người ngoại. Lê-vi Ký 18 ngăn cấm hôn nhân trong dòng họ nhưng không cấm chú cháu kết hôn với nhau; tuy nhiên sau này nhiều cộng đoàn Do Thái, gồm cả cộng đoàn của Các Cuộn Biển Chết, sau này ngăn cấm các hôn nhân này. Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:5–10 khuyến khích tập tục hôn nhân Lê-vi; tập tục này cho phép người goá bụa kết hôn với em chồng của mình nếu người góa bụa này không có con với người chồng đã chết của mình. Cũng tương tự, nhưng không hoàn toàn giống, là tập tục tương tự tìm thấy trong sách Ru-tơ.
Kết luận, các bản văn trong Kinh Thánh không đồng thuận trong tất cả các vấn đề liên quan đến hôn nhân. Điều này nói lên rằng các cộng đoàn và các tác giả Do Thái đều có các quan điểm khác nhau và không đồng nhất về vấn đề hôn nhân, và các quan điểm này thay đổi theo thời gian. Độc giả hiện đại không quen thuộc với nhiều phong tục trong Kinh Thánh, và cũng có thể không chấp nhận các phong tục đó được. Tuy nhiên, khi chúng ta đọc những bài thơ trữ tình trong sách Nhã Ca, chúng ta nhận biết rằng có nhiều điều không bao giờ thay đổi.
Bibliography
- Weems, Renita J. Battered Love: Marriage, Sex, and Violence in the Hebrew Prophets. Minneapolis: Fortress, 1995.
- Purdue, Leo G., et al. Families in Ancient Israel. Louisville: Westminster John Knox, 1997.
- Knust, Jennifer Wright. Unprotected Texts: The Bible’s Surprising Contradictions about Sex and Desire. San Francisco, CA: HarperOne, 2011.